Thông tư 7/2020/TT-BYT hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế

Ngày 14/05/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 7/2020/TT-BYT hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế. Thông tư này là cơ sở pháp lý giúp giải quyết các vướng mắc về định mức xe cứu thương và các xe chuyên dụng khác của ngành y tế trong nhiều năm qua.

Theo đó, Điều 3 của Thông tư đã phân loại xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, bao gồm 3 loại xe chính:

1. Xe ô tô cứu thương, bao gồm: (a) Xe ô tô cứu thương đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương; (b) Xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt (xe có kết cấu không gian rộng rãi được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực trên xe).

2. Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực y tế, bao gồm: (a) Xe chụp X.quang lưu động; (b) Xe khám, chữa mắt lưu động; (c) Xe xét nghiệm lưu động; (d) Xe phẫu thuật lưu động; (đ) Xe lấy máu; (e) Xe vận chuyển vắc xin, sinh phẩm; (g) Xe ô tô khác được thiết kế dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.

3. Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế, bao gồm: (a) Xe chuyên dùng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ trung và cấp cao; (b) Xe chuyên dùng có thiết bị để chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến; (c) Xe vận chuyển máu và các loại mẫu thuộc lĩnh vực y tế, bao gồm: mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh truyền nhiễm, mẫu thực phẩm, mẫu thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), mẫu thuộc lĩnh vực môi trường y tế; (d) Xe vận chuyển người bệnh; (đ) Xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi; (e) Xe chở máy phun và hóa chất lưu động; (g) Xe phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; (h) Xe phục vụ lấy, vận chuyển mô, tạng để phục vụ công tác cấy ghép mô, tạng cho người; (i) Xe vận chuyển bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần; (k) Xe vận chuyển dụng cụ, vật tư, trang thiết bị y tế chuyên dùng trong lĩnh vực truyền nhiễm; (l) Xe ô tô gắn mô hình giảng dậy, mô hình mô phỏng, các thiết bị và phương tiện giảng dạy, giáo cụ trực quan; (m) Xe ô tô khác có gắn thiết bị chuyên dùng dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.

Ngoài ra, tại Điều 4, Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn, định mức xe ô tô cứu thương đối với cơ quan, đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh như sau: Dưới 50 giường bệnh được định mức 01 xe; Từ 50 giường bệnh đến dưới 100 giường bệnh được định mức 02 xe; Từ 100 giường bệnh đến dưới 200 giường bệnh được định mức 03 xe; Từ 200 giường bệnh đến dưới 300 giường bệnh được định mức 04 xe; Từ 300 giường bệnh trở lên, nếu tăng thêm 150 giường bệnh thì định mức được thêm 01 xe.

Riêng đối với cơ quan, đơn vị có chức năng chuyên cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh như Trung tâm Cấp cứu 115, việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô cứu thương căn cứ vào nhu cầu, quy mô dân số, vị trí địa lý và thống kê số lượt cấp cứu, vận chuyển người bệnh trong 03 năm gần nhất để làm cơ sở đề xuất định mức báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định trên nguyên tắc bảo đảm số lượng phù hợp gắn với việc đầu tư, sử dụng hiệu quả xe ô tô.

Toàn văn nội dung Thông tư 7/2020/TT-BYT (đính kèm)

SỞ Y TẾ TP.HCM

Như vậy xe cứu thương Hyundai Starex 2021 đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 7/2020/TT-BYT hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.

Xem thêm: